Nếu xứ Bắc có gốm Bát Tràng nổi danh, thì phương Nam cũng có 3 cái tên ít ai chơi gốm mà không biết. Lái Thiêu là một trong số đó. Gốm Lái Thiêu mộc và "hiền", nếu nó là người.
Có một cửa hàng trực tuyến trên Instagram tên là Xland bán những món đồ rất chi là hay ho. Họ bán những thứ nhỏ bé thiết thực nhưng kỳ quặc: gạt tàn nhựa in hình, hộp quẹt, túi tote tự may,.... Thứ hay ho mà kỳ quặc ở đây chính là thiết kế họ in trên sản phẩm và lời diễn giải về ý tưởng của hình in ấy, thường là một câu châm ngôn phóng đại thâm thúy khiến tôi mê mệt. Ví dụ, khi quảng cáo túi tote, họ viết rằng: túi tốt đẹp là một cái tote đẹp. Hay không?
Về sau vô tình tôi mới biết những hình in trên sản phẩm của Xland là tranh minh họa lấy từ Pinterest (bảo sao không đẹp!), không nhớ tên họa sĩ (lượng thứ), khi tôi đang tìm kiếm vài tấm ảnh vui mắt để treo lên vách tường cho bớt trống trải. Tạm bỏ qua chuyện xâm phạm bản quyền sáng tạo tuyệt đối nghiêm trọng, chủ nhân của Xland có định hướng rõ ràng cho sản phẩm của họ (thực ra tôi nghĩ không phải “họ” mà chỉ là một người) bằng một phong cách chụp ảnh sản phẩm và một giọng viết content nhất quán. Ảnh chụp với màu neon phản chiếu lồng lộn bắt mắt, nội dung quảng cáo tuyệt hay khiến tôi không ngần ngại bấm “follow”, dù chưa mua sản phẩm nào cả.
Cũng vì mê cái cá tính họ lồng vào thương hiệu, tôi ước ao một ngày sẽ sáng tạo ra một thứ tương tự, cả về mặt tạo ra sản phẩm lẫn định hướng quảng cáo. Dĩ nhiên như tôi đã nói, về sau tôi mới biết hình in của họ là hình đi chôm. Còn tôi thì luôn mơ mộng sẽ in tranh vẽ của mình lên để bán. Tôi cần một phương tiện vật lý để lan truyền ý tưởng và tư tưởng của mình.
Một ngày đẹp trời nọ mà tôi không nhớ chính xác là ngày nào, ý tưởng kinh doanh nhỏ lẻ trở nên hỗn loạn bởi công nghệ AI. Tôi nghĩ mình là một trong những người tiên phong ở Việt Nam áp dụng MidJourney vào công việc hàng ngày dù không hô hào. Open AI, MidJourney & Gemini là 3 con tay sai tuyệt vời giúp công việc của tôi lướt nhanh gọn qua 8 tiếng văn phòng. Nhưng thời điểm đó cũng là lúc tôi bàng hoàng nhận ra sự phi lý của việc cặm cũi vẽ nên những bức tranh mà không ai phân biệt được với tranh từ MidJourney. Trước đây tôi cần một phương tiện vật lý - là thứ công nghiệp, để ghi chú tranh vẽ - thứ có tính người lên. Giờ thì AI cũng “người” như bao người. Rất nhiều kẻ không có tư duy mỹ thuật, chưa từng gọt bút chì bằng dao, không bao giờ thực hành đi nét bút quá 5 tiếng một ngày cũng tự nhận mình là nghệ sĩ, với sự trợ giúp của AI. Đừng ai nói tranh AI vô hồn, vì giống như bạn đang ganh tỵ với robot vậy. Tranh AI ngày càng tinh xảo, có khuyết điểm tự nhiên và cũng đầy cá tính. Tôi thật sự lúng túng vì câu hỏi đau đáu của chủ nghĩa hiện sinh.
Quyết không đầu hàng sự trỗi dậy của robot, tôi quyết tâm đi tìm một thứ mà bọn nó chưa thể làm được, và dĩ nhiên là càng ít người làm được càng tốt. Đợt đó tôi đang đắm chìm trong trào lưu trồng cây trong nhà. Dĩ nhiên trồng cây thì phải mua chậu. Mà chậu thì phải đẹp xứng tầm với cái cây, nên chậu nhựa tuyệt đối không được chấp nhận. Cuộc phiêu lưu gốm sứ bắt đầu.
Tôi ngay lập tức nhận ra tiềm năng của gốm sứ trong công cuộc sáng tác & kinh doanh (thành công hay không thì chưa bàn đến). Và đăng ký một khóa học làm gốm ở tận Lái Thiêu (Bình Dương); vì đó là chỗ có khóa học dài nhất, ở xa nhất, PR rầm rộ nhất và cũng mắc tiền nhất. Tôi không tin vào những workshop ngắn hạn ở Sài Gòn. Những thứ phải dành ít thời gian không bao giờ có đủ chất lượng. Mà thực tình thì sau này tôi cũng vỡ mộng với cái gọi là “khóa học làm gốm chuyên sâu” kia. Có lẽ “chuyên sâu” với tôi phải ở một cấp độ khác, dù gì thì tôi cũng học đại học chuyên ngành 4 năm, chưa kể năm đầu thi rớt phải văn ôn …vẽ luyện, và thâm niên 7 năm làm công việc dính dáng tới thiết kế - mỹ thuật. Tôi biết chuyên sâu đi cùng với thời gian.
Trở lại con đường học tập, vậy gốm Lái Thiêu có gì để học?
Lái Thiêu không chỉ có trái cây. Lái Thiêu cũng có một làng gốm êm đềm từ ngày gốm Sài Gòn thất thế. Miền Nam vốn dĩ có 3 vùng sản xuất gốm chính: gốm Cây Mai (Sài Gòn - Gia Định), gốm Tân Vạn (Biên Hòa - Đồng Nai) và gốm Lái Thiêu ( Bình Dương). Sau này thì gốm Sài Gòn lụi tàn, các sản phẩm gốm Cây Mai vì mang giá trị lịch sử nên nặng tính sưu tầm; nhường chỗ cho gốm Lái Thiêu chiếm thị phần gốm gia dụng.
Trong 3 loại, thì gốm Lái Thiêu có tuổi đời trẻ nhất và là đứa con của gốm Biên Hòa khi dùng loại đất sét vùng Lái Thiêu để tạo hình với phương pháp kế thừa từ gốm Biên Hòa. Trong khi Biên Hòa may mắn sở hữu những mỏ đất sét tốt, lại còn là nơi khai sinh ra trường dạy nghề Biên Hòa (École Professionnelle de Bien Hoa) - được xem là trường dạy nghề gốm đầu tiên của Đông Dương và có những bước phát triển làm thay đổi bộ mặt của dòng gốm phương Nam, nên rất có “căn tính”. Còn Gốm Lái Thiêu, vốn dĩ là mặt hàng gia dụng bình dân, cho nên yếu tố trang trí bị xem nhẹ, thường là hình vẽ các cảnh làng quê đơn giản sau đó phủ men trong; phẩm cấp gốm cũng không được chú trọng nên không có độ đằm tay, nếu ai hay sờ nắn đồ gốm sứ sẽ hiểu điều này.
Nhưng tôi vẫn thích gốm Lái Thiêu vì sự đơn giản, mộc mạc và có phần… quê mùa của nó. Làm được những sản phẩm đẹp từ nguyên liệu tốt đã hay, làm những sản phẩm hay ho từ nguyên liệu bình thường và phương pháp bình thường lại càng khó nữa. Biết đâu một ngày khi đủ độ “chín” nghề, tôi có thể tự tin dùng các nguyên liệu phẩm cấp thấp và phương pháp ít tỉ mỉ để thực hành trên sản phẩm của mình?
Đây là thứ tôi biết chỉ sau khi tham gia khóa học “chuyên sâu” kia. Nói trắng ra thì cái tôi học là học kỹ thuật tạo hình từ nguồn đất sét Biên Hòa, với một chút kiểu vẽ trang trí vùng Lái Thiêu, tô men kiểu truyền thống phương Nam còn men thì từ đủ thứ nguồn, không chỉ là men truyền thống đặc trưng.
Điểm yếu của khóa học “chuyên sâu” là không đủ… chuyên sâu. Tới đây, tôi định nghĩa chuyên sâu có nghĩa là sau khi học, học viên nên biết: cách trộn men và sáng tạo ra men mới, cách kiểm soát và vận hành lò nung theo các mức nhiệt độ khác nhau để ra sản phẩm gốm có phẩm cấp khác nhau hoặc ít ra là biết lựa cái lò nào mà mua vì có lò điện lò gas lung tung beng cả; và đặc biệt quan trọng hơn cả, học viên phải được nhắc đi nhắc lại rằng: khóa học là học để biết kỹ thuật để áp dụng lên kỹ năng cá nhân, chứ không phải học cái kỹ năng đó, bởi vì kỹ năng là thứ không thể có được sau 12 buổi. Tôi ngờ là thầy dạy biết rõ điều này, nhưng cách chọn học viên không lựa lặt đầu vào khiến giáo trình trở nên lộn xộn vì thầy phải chạy theo hướng dẫn những thứ cơ bản như cầm cọ, dùng dao, vân vân. Có lẽ ai đó khi đọc những dòng này sẽ cho rằng tôi là đứa kiêu căng ngạo mạn. Không, tôi chỉ nói sự thật. Không thể xếp sinh viên đại học chung bàn với trẻ con mẫu giáo, nên tôi có quyền ý kiến.
Điểm cộng, không gian học khá thơ mộng với cây xanh phủ bóng xuống bề mặt những sản phẩm gốm láng o bày la liệt khắp sân, đúng kiểu “sự bừa bãi sáng tạo chứ không phải sự gọn gàng nhàn rỗi” mà thôi khoái. Có những cái bàn đá xù xì nơi tôi có thể thư thả tận hưởng khói thuốc mà không làm phiền tới ai lúc giải lao.
Điểm trừ, vì thơ mộng nên ai cũng muốn thơ thẩn, đặc biệt là trong lúc tôi đang tập trung thực hành. Nó khiến tôi cảm thấy mình như con sư tử trong sở thú cho người ta chỉ trỏ, nhòm ngó. Tệ hơn là có kẻ còn lom lom cái máy chụp ảnh chĩa về phía tôi, một sự xâm phạm thân thể đáng để đi tù. Giá như tôi có bộ vuốt của con sư tử thì hay biết mấy. Thề sẽ khiến cho mấy người ấy hét toáng rồi chạy để khuất mắt.
Sau quá trình học làm gốm, tôi có gì?
Bố tôi hay nói ông ghét những lối dạy “dạy cho người biết rồi” chứ không phải dạy cho người chưa biết vì ông quan điểm người chưa có chút kiến thức nào cần một cách tiếp cận khác. Mà hầu như các phương pháp học gốm sứ trên mạng, kể cả ở các chuyên trang tiếng Anh, đều như một mớ bòng bong với những người chưa biết tí gì như tôi lúc đầu. Tôi đến lớp học gốm để học kỹ thuật, không phải kỹ năng trang trí hay tạo hình vì tôi đã có; và tôi lượm lặt được những kiến thức đủ để trở thành một người đã biết tí chút để tự học tiếp. Và tôi vẫn đang thực hành trong quá trình tạo sản phẩm của riêng mình.
Commentaires