Nhân một ngày mưa bão tháng 10
Từ ngày làm đồ gốm, tôi đã làm vỡ rất nhiều cốc chén. Hiếm lắm nhũng người có thể tự tay làm vỡ đồ gốm của mình. Nhấn mạnh là "của mình". Đồ gốm được mua về vĩnh viễn chỉ là "của-mình-một-nửa". Bởi vì người mua chỉ biết nó từ lúc mua nó trở đi, khi họ thấy nó trên kệ hàng siêu thị hay khi lướt Shopee, dưới nền màu vàng mờ mờ ám thị của đèn spotlight và tag giá. Trong một phút ngẫu hứng mua sắm, họ không quan tâm cách nó được gia công hay kim loại nào tạo nên màu của nó. Đồ gốm ấy chỉ có khai sinh từ hiện tại tới tương lai ngày mà nó sẽ bị đánh rơi, trong phạm trù hiểu biết của người mua. Một thứ mà mình không biết về quá khứ của nó thì không bao giờ được tính là "của mình", theo triết lý vẩn vơ riêng của tôi.
Với nữa tôi định nghĩa khái niệm làm vỡ một món đồ gốm không chỉ là khoảnh khắc đánh rơi nó xuống sàn. Có nhiều cách cho đồ gốm tan vỡ. Gốm có thể vỡ trước khi được gọi là gốm, vỡ mà chẳng có danh tính, một kiểu vỡ buồn. Nói một cách lý thuyết thì, cuộc đời của một món đồ gốm cho tới lúc có danh-tính trải qua 3 trạng thái: khô thân - tức là hết ẩm, sơ nung - nung nhiệt thấp cho cứng lại để tiện trang trí, và cứ xem đây là giai đoạn dậy thì của gốm, khi nó trở thành gốm một phần nhưng còn mong manh; sau hết là nung men - qua lửa nhiệt cao một lần nữa sau khi quét hỗn hợp kim loại và phụ gia, lúc này gốm đã trưởng thành, có thể đựng nước được trong lòng mà không bị thấm qua, giống như thế giới nội tâm phức tạp của người lớn cố giữ trạng thái không bị rò rỉ. Trong mỗi kỳ trường thành gốm đều có thể bị làm vỡ theo những kiểu khác nhau. Người mua đồ gốm về chỉ có thể làm vỡ gốm trưởng thành.
Vì vậy tôi tự hào rằng mình làm vỡ đồ gốm bằng những cách thức và mức độ sâu sắc hơn. Thứ nhất là tôi có thể thường xuyên làm vỡ đồ gốm "của mình", và làm vỡ cả gốm dậy thì tới gốm già. Tôi làm vỡ chúng nó trong lúc tạo hình vì mạnh tay. Tôi làm vỡ chúng nó trong sau khi nung sơ vì vội vàng chưa chờ ráo ẩm. và nếu chúng nó may mắn lớn lên mà không sứt mẻ gì, tôi vẫn có thể đập chúng nó tan tành vì không đủ đẹp. Vẫn là một cái chết huy hoàng so với những món đồ gốm chỉ được mua về. Đáng thương thay những cái ly gốm sản xuất đại trà mua về và bị đánh vỡ, rồi sẽ bị lãng quên như chưa từng có lần đầu. Lần đầu của những món ấy phải gắn với kỷ niệm để mà được ghi nhớ, nhưng không phải ai cũng có kỷ niệm đáng nhớ.
Mọi thứ đều có lấn đầu. Và làm vỡ đồ gốm cũng vậy. Thường kỷ niệm lần đầu người ta sỡ hữu một món đồ gốm cho mình là khi người ta bắt đầu tập tành uống trà hay cà phê. Lúc đó là khi người ta đã lớn nên người ta sẽ ghi nhớ được khoảnh khắc lần đầu ấy, kèm với lần đầu làm vỡ gốm nếu có. Nếu đó là món đồ gốm được tặng, gốm tan vỡ cùng với sự hối lỗi. Còn lần đầu làm vỡ đồ gốm "của mình" thì rất đau (tôi đang nói đến việc làm vỡ gốm trong giai đoạn từ dậy thì lên trưởng thành ấy). Đau tay vì xu mảnh gốm vỡ và đau lòng vì nhiều giờ đầu tư và hồi hợp chờ đợi đã tan thành gạch vụn. Gốm vỡ từ trong lò mảnh vụn sắc và li ti hơn mảnh vụn gốm vỡ khi rơi xuống đất. Tôi không có nền tảng vật lý của chuyện này, có lẽ là do lực bắn khi gốm nổ mạnh hơn trọng lực kéo gốm rơi chăng?
Cũng có khi tôi tự tay đập đồ gốm của mình. Nhiều khi là vì màu men trắng không đủ trắng. Không thể ném nguyên trạng món đồ ấy vào thùng rác được vì nguy cơ bị cô lao công nhìn thấy. Mọi thứ đều có nguyên nhân và khiếm khuyết chắc chắn là bắt nguồn tự một sự cẩu thả nào đó trong quá khứ. Tôi luôn lo sợ ai đó sẽ nhìn ra được sự cẩu thả của mình từ trong đống rác. Trong địa hạt gốm sứ, kỹ thuật cũng quan trọng như nghệ thuật nên mọi sự cẩu thả đều phải trả giá. Gốm sứ hình dung nhân quả và nhân quả kiểu này lẹ làng hơn rất nhiều việc chờ một đứa cà chớn gặp vận xui. Vì vậy tôi rất hài lòng tìm ra nguyên nhân tại sao đồ gốm mình làm lại sứt mẻ.
Thỉnh thoảng tôi lại làm vỡ gốm, cũng như thỉnh thoảng tôi lại thấy buồn. Cả chuyện hay làm vỡ đồ hoặc chuyện hay buồn đều là bình thường. Men gốm biến thiên trong quá trình nung, chẳng ai biết nó sẽ như thế nào sau khi ra lò. Nếu nó không đạt thì nó phải bị vỡ cách này hay cách khác. Mỗi lần nung gốm là một lần chờ đợi. Chờ đợi là hạnh phúc còn sau đó có thể là triền miên đau khổ, chẳng biết.
Dù sao đi nữa thì bây giờ mới là năm 2024, tôi sẽ còn làm vỡ rất nhiều món đồ gốm và rất nhiều trái tim trong đời.
Comments