top of page
Ảnh của tác giảGối

Căn tính của gốm

Đã cập nhật: 30 thg 10

Đồ gốm bạn chọn có thể nói nhiều về bạn hơn bạn nghĩ đấy!


Pottery artist's

Có một dạo tôi thích săn lùng đồ gốm Nhật cũ. Do là đợt ấy tôi cần một cái ly uống nước có thể giúp mình uống nhiều nước hơn. Nghe thì có vẻ bất khả thi hoặc chỉ có Xiaomi làm được, nhưng thực tế là tôi chỉ cần một cái ly đẹp nịnh mắt để dùng, vì tôi thích dùng đồ đẹp.

Ông bà ta truyền rằng: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Tôi xuýt xoa đúng là chân lý khi tôi tình cờ mua được một cái ly gốm Kutani màu xanh cobalt có họa tiết vảy vàng đã bay màu (vì là đồ cũ mà). Không hiểu sao lúc nào nhìn thấy cái ly ấy tôi cũng muốn uống nước. Bạn tôi trề môi phản đối, nói:  dùng ly cũ của người khác thì rất dơ và kinh dị, nhưng tôi thuộc hệ low-key thích chơi đồ cổ (hiểu là cũ thì đúng hơn) nên hoàn toàn bỏ qua vấn đề vệ sinh mà dùng như thường. Với nữa, nếu bạn tôi có đọc tác phẩm “Ngàn cánh hạc” của Kawabata Yasunari, thì sẽ thấy dùng ly cũ của người khác cũng là một cách chơi! Màu xanh phảng phất từ  nước men lan ra ly khiến nước có vẻ đậm đà hơn, và tôi cứ tự kỷ ám thị rằng nước ấy rất ngon.

Blue Kutani ceramic vase with traditional Japanese peach blossom motif
Đây là gốm Nhật Kutani với nước men bóng loáng như sứ và họa tiết tinh tế. Hình mượn từ internet. Ly của tôi cũng có màu na ná thế.

Rồi cái ly ấy lạc trôi khi tôi liên tiếp chuyển chỗ ở. Cùng với chuyển chỗ ở, tôi cũng chuyển chỗ làm. Hãy tin rằng tôi chuyển chỗ làm theo chỗ ở, chứ không phải ngược lại. Tình cờ tại nơi làm mới, tôi ngồi cạnh một chị cũng thích mua đồ gốm Nhật cũ. “Gu” của chị là ly gốm mộc xanh, ít vẽ vời, to một chút để pha được cà phê đá. “Gu” của tôi là ly gốm méo, càng méo càng tốt; nhưng phải méo trong tỉ lệ, trong bố cục. Làm ơn hãy phân biệt “mộc mà đẹp” và dị hình dị dạng.


Handmade Japanese rustic ceramic cup, cracked green glaze
Đây là mộc mà đẹp. Sự mộc được triển khai trên nền hình dạng có tính toán nên không đi quá giới hạn của tỉ lệ và bố cục nên đẹp lạ.

a small, misshapen vase with purple enamel, engraved with many roses
Còn đây là dị hình dị dạng. Được tặng nên quý chứ thật lòng thì thấy nó không đẹp.

Bẵng đi một thời gian, sau khi làm vỡ vô số ly cốc, tôi càng bị ám ảnh bởi nước men Nhật vừa phóng khoáng vừa chỉn chu ấy. Hãy thử tưởng tượng như có một người - tính cách rất hay ho thú vị tuy nhiên tóc tai lắm lúc lòa xòa, quần áo không buồn ủi nhưng tất cả đều hợp với nhau một cách kỳ lạ. Sự nhăn nhúm nơi quần áo đại diện cho sự phóng khoáng trong tính tình. Sự bừa bãi nơi tóc tai thể hiện sự tự tin của việc là chính mình. Cái hòa hợp nằm tự trong bản chất, chỉ hơi gồng là lộ tẩy. Gốm Nhật đối với tôi cũng thế. Khi được tạo hình bằng cách nặn thủ công, gốm ấy luôn phối với men lì màu sẫm với những vệt chảy tự do. Tôi ngờ rằng tất cả những món gốm mộc tôi mua từ cửa hàng bán đồ Nhật bãi đều là sản phẩm của ai đó nghiệp dư, nhưng cái cách họ tạo nên tác phẩm lại đầy tính nghệ sĩ. Còn những sản phẩm có vẻ công nghiệp hơn, từ một xưởng gốm nào đó lại mang nét chăm chút rất Nhật, miệng ly tròn cứ như từ compa xoay ra, da gốm mịn màng, nước men gốm bóng như sứ. Họ biết hòa hợp kỹ thuật của mình vào giao diện tác phẩm, để không tạo nên một cái chén đều chằn chặn với nước men loang lổ chẳng hạn.

Tôi gọi đó là căn tính của gốm Nhật. Con người có căn tính. Tạo vật con người làm ra cũng mang căn tính. Tuy nhiên lại có những công việc yêu cầu người ta phải dẹp bỏ cái tôi của mình, đồng nghĩa với việc làm lu mờ căn tính.

Trong lúc tôi đi tìm một thứ phản ánh được căn tính của mình, trong hỗn độn công việc kiếm sống, tôi luôn có cảm giác công việc mà mình đang làm (và được đánh giá là làm tốt) đôi lúc lại mâu thuẫn với căn tính của mình. Tôi học mỹ thuật. Tôi thích vẽ, thích làm thơ và viết lách. Nói chung là những thứ cần có một không gian riêng tư sau cánh cửa. Nhưng vì một chỗ đứng, tôi lại thường phải chạy lông nhông ra ngoài, phô bày mọi thứ, cãi cọ với khách hàng, tranh sủng với đồng nghiệp, thuyết phục người khác tin theo lý tưởng nghề nghiệp của mình. Bầu không khí giữa tôi và những người khắc luôn đặc quánh mùi của chủ nghĩa cá nhân phát tiết từ tôi. Tôi sẽ luôn bày tỏ quan điểm, nói không thích khi tôi không thích, không giả vờ vui; tới mức gây khó chịu cho người khác. Có lẽ tôi thuộc xã hội phi-xã-hội trong thế giới của mạng xã hội. Nhưng tôi thích điều đó.


Trong khi đang mông lung tìm đường để được đứng một mình một cõi, tôi quyết tâm mở một doanh nghiệp, bé thôi cũng được, xem đó như cõi riêng tha hồ làm công việc mình thích; và điều quan trọng không kém, là kiếm được tiền từ nó. Với tôi, cột mốc để xác định danh tính của bạn là việc bạn có thu nhập từ danh tính bạn theo đuổi. Ví dụ tôi luôn nhớ cột mốc ngày mà mình có thể giới thiệu mình là họa sĩ vẽ minh họa khi ai hỏi tôi làm nghề gì, là lúc tôi bán được một bức tranh vẽ cảnh chú bé chết đuối cho một tác giả ít tên tuổi người Áo để minh họa cho sách của cô ấy. Theo khái niệm ấy, thì đối với tôi Van Gogh chẳng phải là họa sĩ khi ông còn sống, vì ông ấy chỉ bán được một bức tranh. À nhưng nghĩ đi nghĩ lại, vì ông ấy không làm gì khác ngoài vẽ, nên có lẽ ông ấy vẫn nên được coi là họa sĩ. Tới đây thì ta có thể mở rộng khái niệm: họa sĩ là những người kiếm sống nhờ việc vẽ tranh, hoặc hoàn toàn khánh kiệt vì chỉ vẽ tranh. Không có dạng ở giữa. 

Fine line drawing depicting an African boy who drowned while illegally immigrating to Europe by sea, being lifted up by a female rescuer
Minh họa tôi vẽ cho sách của tác già Ute Mayrhofer, 2020

Tôi thích làm mọi thứ triệt để, không thể ở giữa. Tôi quyết định bỏ công việc giám đốc mỹ thuật để thực sự làm cái gì đó gần gũi với mỹ cảm của mình. Thực tế là cái nghề giám đốc mỹ thuật hay giám đốc sáng tạo đang ngày càng biến chất ở Việt Nam nhưng tôi sẽ không nói về nó. Tôi chỉ tuyên bố rằng tôi xin dẹp bỏ gánh nặng của chức danh để nặn đất sét như một người thợ, và trang trí thổi hồn cho nó như cách một họa sĩ đồ họa làm, để cho bản thân mình một căn tính.


Và để tác phẩm của mình luôn thấm đẫm căn tính. 


5 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page